star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

ÂM MƯU CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG CÔNG CUỘC CHỐNG THAM NHŨNG , TIÊU CỰC TIẾN HÀNH CÁC HOẠT ĐỘNG CHỐNG PHÁ

ÂM MƯU CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG CÔNG CUỘC CHỐNG THAM NHŨNG , TIÊU CỰC TIẾN HÀNH CÁC HOẠT ĐỘNG CHỐNG PHÁ


Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin: Lênin không tách riêng các “căn bệnh”, hoặc “tệ” tham nhũng mà đề cập trong một tổ hợp bao gồm nhiều yếu tố, trong đó rõ nhất là quan liêu, lãng phí, nhận và đưa hối lộ, cơ hội chính trị… như vậy, chúng ta có thể nói gộp chung bằng cụm từ “tiêu cực”. Tiêu cực là chỉ chung nhất, còn tham nhũng chỉ là một “căn bệnh” nằm trong cái chung đó. Sở dĩ tách riêng “tham nhũng” là để nhấn mạnh sự nguy hại rất lớn của nó đối với xã hội. 

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là tham ô, ít khi dùng cụm từ “tham nhũng”, nhưng nghĩa cơ bản của hai cụm từ “tham ô”, “tham nhũng” gần giống nhau, ở chỗ “lấy của công dùng vào việc tư”; có lúc Người nói thẳng ra là ăn cắp của công, là gian lận; đục khoét của nhân dân; ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung để làm quỹ riêng; khai gian, lậu thuế…

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế: “Tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công”. Theo Ngân hàng Thế giới (WB): “Tham nhũng là sự lạm dụng chức vụ công để tư lợi”.

Tại Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Việt Nam: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.

Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau về tham nhũng, song đều thống nhất với 3 đặc trưng: Tham nhũng là hành vi của người có chức, có quyền; có sự lợi dụng, lạm dụng quyền hành được giao; nhằm vụ lợi. Tham nhũng không chỉ làm mất đi một nguồn lực to lớn của xã hội mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của nhân dân vào chế độ, là nguy cơ lớn đối với sự tồn vong của chế độ. Có thể hiểu rằng, tham nhũng chính là sự mưu lợi bất chính thông qua sự vi phạm về các chuẩn mực, trách nhiệm và nghĩa vụ của những người được giao phó chức trách, nhiệm vụ. Do đó, tham nhũng là khuyết tật của tất cả các thể chế chính trị kể từ khi có nhà nước, không phải chỉ có ở chế độ xã hội chủ nghĩa. Tham nhũng tồn tại tất yếu, khách quan trong xã hội, khi nào mà nhà nước, quyền lực chính trị và lợi ích nhóm còn tồn tại, thì chừng đó còn điều kiện và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng.

Thời gian qua, với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng, Nhà nước ta tiến hành một cách công khai, minh bạch, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở. Hàng loạt cán bộ cấp cao sai phạm thuộc diện Trung ương và địa phương quản lý đều đã bị xử lý về các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được Nhân dân hết sức đồng tình, tin tưởng và ủng hộ; uy tín của chế độ ngày càng được cùng cố.

Tuy nhiên, với âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, một số tổ chức, cá nhân thù địch, chống phá đã đăng tải những tin bài với nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật tình hình liên quan đến công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta. Với luận điệu xuyên tạc, chúng cho rằng “tham nhũng là khuyết tật của chế độ xã hội chủ nghĩa”, “quét nhà ra rác, truy quan ra tội, với chức quan nào cũng có thể truy ra vô số tội tương tự như này”; chúng còn cho rằng chống tham nhũng là “cuộc đấu tranh thanh trừng nội bộ giữa các phe phái và các lợi ích nhóm”.

Điển hình, ngày 29/3/2023, trên trang “Việt Tân” đã đăng tải tin bài với hình ảnh Cựu chủ tịch Hà Nội – Bị cáo Nguyễn Đức Chung đứng trước vành móng ngựa tại phiên tòa xét xử kèm lời dẫn “Quét nhà ra rác, truy quan ra tội. Với chức quan nào cũng có thể truy ra vô số tội tương tự như vậy”. Chúng vu cáo tham nhũng là bản chất “bệnh nan y, kinh niên” của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trên thực tế, tham nhũng là vấn nạn trên toàn thế giới, xảy ra trên mọi thể chế chính trị, mọi lĩnh vực. Để đánh giá mức độ tham nhũng của các nước trên thế giới. Năm 1995, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố một chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI ). Chỉ số được dùng để đánh giá mức độ tham nhũng của các nước hằng năm. Chỉ số CPI năm 2020, các nước ít tham nhũng nhất vẫn là Đan Mạch và Niu Di-lân với 88 điểm, Phần Lan, Xin-ga-po, Thụy Điển, Thụy Sỹ với 85 điểm, Úc, Hồng Kông 77 điểm; Trung Quốc 42 điểm, Ấn Độ 40 điểm. Đứng cuối bảng là các nước Nam Xu-đăng và Xô-ma-li với 12 điểm, Xy-ri 14 điểm, Y-ê-men và Vê-nê-xu-ê-la 15 điểm. Việt Nam đạt 36/100 điểm đứng thứ 104/180 nước. Theo nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (WB), đã chỉ ra rằng hàng năm trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ. Chỉ riêng ở châu Phi hằng năm có khoảng 148 tỷ USD đã bị mất hay thất thoát do tệ tham nhũng, tương đương với 1/2 khoản nợ nước ngoài của lục địa này. Theo Viện Công tố Liên bang Nga, lượng tiền tham nhũng hàng năm của Nga lên tới 240 tỷ USD chiếm hơn 15% GDP của Nga. Chính vì vậy tham nhũng không chỉ xảy ra riêng biệt ở Việt Nam, tất cả các nước trên thế giới đều đang ra sức phòng, chống tham nhũng.

Theo báo cáo chỉ số CPI năm 2022 của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho thấy Việt Nam là một trong số 6 quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội với 42 điểm, tăng 06 điểm so với năm 2020. Đó là kết quả, là minh chứng rõ nét cho thấy những nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, tuyệt đối của Nhân dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Bên cạnh công tác phòng chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước ta không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng mô hình, hệ thống chính trị cho phù hợp với tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy sự phù hợp của hệ thống chính trị nước ta hiện nay, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước, của các lãnh đạo có tâm, có tầm, vì nước, vì dân.