star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Cái “bẫy” lừa đảo vay tiền qua App trên mạng xã hội của các đối tượng tội phạm

Cái “bẫy” lừa đảo vay tiền qua App trên mạng xã hội của các đối tượng tội phạm


Hiện nay, sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rất mạnh trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng trên nhiều lĩnh vực, cùng đó là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin là một trong những ngành có chuyển biến tích cực và là một trong những yếu tố đã giúp con người phát triển với nhiều nền tảng về lĩnh vực kinh tế, xã hội vừa để người dùng trải nghiệm các sản phẩm, vừa kiếm tiền tại nhà. Ngoài ra, sự phát triển của mạng Internet là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch một cách đơn giản rất nhiều, tuy nhiên, lại là môi trường hoàn hảo để các đối tượng phạm tội lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo qua hình thức vay tiền trực tuyến qua app. Trong thời gian gần đây, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…), Internet để đăng, tải các bài viết với hình thức quảng cáo để mời chào, dụ dỗ người vay tiền trên các app (ứng dụng).

Hiện nay, các đối tượng lợi dụng mạng Internet và mạng xã hội để phát tán số lượng ứng dụng (app) với hình thức vay tiền Online rất nhiều như: Home Credit, A Vay, doctor Dong, BiMo, Moneycat, Vay VND, Onccredit, Visame, Vamo… là một trong số app được các đối tượng lừa đảo tạo ra nhằm quảng cáo đến người dùng (Dưới dạng đường link hoặc app) với mục đích là hỗ trợ vay tiền để đánh lừa, chiếm đoạt tài sản. Để thu hút số lượng người biết đến các đối tượng đã dùng nhiều chiêu thức và thủ đoạn khác nhau, trong đó, số đối tượng đã tích cực đăng, tải nội dung quảng cáo trên các trang website, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram), Youtube, các Fanpage có cộng đồng người theo dõi đông, các sàn giao dịch và các ứng dụng trên điện thoại bằng những thao tác hết sức là đơn giản, cùng đó những chính sách vay tiền không cần thế chấp tài sản đảm bảo, thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn, người vay chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân/Căn cước công dân và số tài khoản ngân hàng là đủ các điều kiện thủ tục vay tiền.

Các đối tượng hướng đến người tiếp cận thường là người có trình độ hiểu biết thấp về xã hội, pháp luật; người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân và số người là thanh thiếu niên sinh sống ở vùng sâu, vùng xa thiếu điều kiện cập nhật thông tin thường xuyên, kịp thời; một phần đối với người  điều kiện kinh tế khó khăn trình độ hạn chế nhưng mong muốn có tiền trang trại cuộc sống, có vốn đầu tư phát triển kinh tế; người do chủ quan trong quá trình tiếp cận các hệ thống tín dụng vay tiền qua aap nên đã thực hiện một cách tự nguyện về các hợp đồng vay tiền qua các app.   

Nhưng thực tế cho thấy, sau khi người dân tiếp cận được, các đối tượng trực tiếp gửi tin nhắn kèm theo 01 đường link qua ứng dụng Messenger và yêu cầu người dùng truy cập vào đường link để tải ứng dụng mà đối tượng đã lập trình sẵn. Quá trình tải xong họ yêu cầu đăng ký 01 tài khoản để đăng nhập vào app và tiếp tục hoàn thiện các bước, thủ tục cho vay tiền. Với yêu cầu của các đối tượng, số tiền được vay do người vay lựa chọn theo mức phù hợp mà cá nhân có thể vay được như 5.000.000đ, 10.000.000đ, 15.000.000đ, 30.000.000đ 50.000.000đ; với lãi suất thấp, hấp dẫn nhằm tạo uy tín và thu hút cho người vay. Quá trình chọn mức vay các đối tượng gửi theo 01 số điện thoại với yêu cầu phải kết bạn qua Zalo để gửi tài khoản ngân hàng để cho Công ty giải ngân (Đối tượng núp bóng lấy danh là chủ tài khoản) cùng đó là yêu cầu người vay phải nộp phí trước mới được giải ngân, tùy theo hạn mức vay với lý do là tiền bảo hiểm, đối với những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin họ sẽ chuyển khoản hoặc thanh toán số phí theo yêu cầu của đối tượng với mong muốn sẽ có được số tiền theo hợp đồng vay. Sau khi nhận được tiền phí, đối tượng nhắn tin yêu cầu chờ trong 15 đến 20 phút để được giải ngân, nhưng thực chất là các đối tượng đã lợi dụng chiếm đoạt tài sản của người vay với số tiền hằng chục triệu và chặn số, hủy kết bạn qua Zalo, vô hiệu hóa tài khoản thủ tục.

Với nhiều thủ đoạn tinh vi, ngoài việc chiếm đoạt tài sản về hình thức thu phí trước thì việc vay tiền qua app (ứng dụng) còn là cái bẫy của các đối tượng tội phạm lừa đảo, quá trình làm thủ tục hợp đồng người vay sẽ không nhận được khoản tiền nào từ các đối tượng, nhưng trong hợp đồng vay bên đối tượng số tiền lên đến hằng chục triệu với mức lãi suất cao vót lên tới 100% đến 200%  và yêu cầu bên vay phải trả số tiền lãi hằng tháng mức rất cao với các khoản chi phí không rõ ràng. Ngoài ra, để đánh vào tâm lý, các đối tượng còn dọa dẫm cho dân xã hội đen đòi nợ thuê nhằm gây sức ép và thao túng số đã vay.

Ngoài việc vay tiền qua app (ứng dụng) trên mạng Internet, mạng xã hội, thực tế hiện nay trên địa bàn huyện Sốp Cộp, có đối tượng L.M.C, sinh năm 1995 là đối tượng cầm đầu thành lập Công ty TNHH hỗ trợ tài chính 24h, để hoạt động đối tượng L.M.C núp bóng là Giám đốc Công ty trực tiếp điều khiển, chỉ đạo một số đối tượng ở ngoài làm việc cho Công ty hoạt động tín dụng đen với hình thức cầm đồ như: Ô tô, xe máy, thẻ đỏ và những giấy tờ có giá trị lớn; cho vay nặng lãi, vay thế chấp bằng tài sản…với mức lãi từ 3.000đ đến 5.000đ/01 triệu/ngày. Quá trình hoạt động trên địa bàn đã thu hút nhiều người đến giao dịch bằng hình thức cầm đồ, cắm ô tô, xe máy và bị các đối tượng tịch thu chiếm đoạt tài sản do không đủ điều kiện trả nợ cho các đối tượng.

Có thể thấy, hiện nay sự phát triển của công nghệ thông tin rất nhiều các loại, nhóm đối tượng lừa đảo lợi dụng mạng Internet để đăng tải các bài viết quảng cáo liên quan đến việc cho vay tiền qua app; hỗ trợ tài chính trên các trang mạng xã hội, với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, không thế chấp, không cần giấy tờ với mục đích chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, quá trình tìm kiếm, tiếp xúc với số lượng thông tin trên mạng Internet, mạng xã hội người dân cần nêu cao cảnh giác và tranh xa, hạn chế việc truy cập vào nhưng trang thông tin không biết rõ nguồn gốc để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa gạt. Đồng thời, do số lượng thông tin trên mạng nhiều và đa dạng nên người dân không nên chủ quan trước các bài viết liên quan đến việc vay tiền, hỗ trợ tài chính trên mạng Internet của các đối tượng.