star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Đấu tranh, phòng ngừa hoạt động tuyên truyền, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông tham gia hoạt động thành lập Nhà nước riêng

Đấu tranh, phòng ngừa hoạt động tuyên truyền, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông tham gia hoạt động thành lập Nhà nước riêng


Sơn La là một tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên là 14.174 Km2; có 274 Km đường biên giới tiếp giáp với 02 tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng – nước CHDCND Lào; gồm 12 huyện, thành phố; 204 xã, phường, thị trấn, dân số trên 1,2 triệu người, gồm 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 15,79% so với dân số toàn tỉnh.

Những năm qua, với sự đổi mới đường lối phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã quan tâm, triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, trong đó có dân tộc Mông, trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra trên cơ sở các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng trong công tác hoạch định, ban hành nhiều chính sách đặc thù đối với từng vùng nhằm thu hẹp khoảng cách, sự chênh lệch về điều kiện, mức sống, thu nhập giữa các dân tộc.

Cùng với sự phát triển chung của đất nước và xu thế hội nhập với thế giới, đặc biệt với sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện nay; để giúp người dân tiếp cận công nghệ thông tin nâng cao trình độ dân trí, song song với việc phát kinh tế thì Đảng, Nhà nước và tỉnh đã quan tâm đầu tư, xây dựng, từng bước lắp đặt hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, phủ sóng truyền hình, sóng điện thoại và mạng internet tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa có đồng bào DTTS sinh sống. 

Đến nay, trên thực tế về cơ bản nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đang đi vào cuộc sống của đồng bào, bảo đảm chính sách đại đoàn kết dân tộc, các dân tộc sống bình đẳng, tương trợ, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau cùng phát triển, từng bước thu hẹp về sự chênh lệch trình độ phát triển kinh tế – xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng đã từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt, qua triển khai, thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu là đồng bào dân tộc Mông làm kinh tế giỏi, đồng bào tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống định canh, định cư, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

 

Hình ảnh: Đ/c Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ; Đ/c Nguyễn Hữu Đông – Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đến thăm và tặng quà cho gia đình anh Tráng A Chu, điển hình tiêu biểu làm kinh tế giỏi tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Khả năng hiện thực hóa một số chính sách còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, hoạt động của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hạn chế; mặt khác, do xuất phát điểm thấp và đặc điểm đồng bào dân tộc Mông sinh sống không tập trung, chủ yếu sinh sống ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, dẫn đến việc triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Do vậy, một bộ phận đồng bào dân tộc Mông vẫn còn thuộc diện đói nghèo, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, các thế lực thù địch, nhất là số đối tượng trong các tổ chức phản động người Mông ở nước ngoài đã triệt để lợi dụng những tồn tại, hạn chế trên và những khó khăn của một bộ phận đồng bào để xuyên tạc về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Mông, cho rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam không quan tâm người Mông, vu cáo Việt Nam phân biệt đối xử với người Mông, vi phạm dân chủ, nhân quyền…đồng thời, triệt để lợi dụng mạng xã hội, đặc biệt các ứng dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube, Zoom để gia tăng các hoạt động đăng tải, chia sẻ, tán phát các Video, clip, bài viết có nội dung tuyên truyền về Nhà nước Mông, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai tự trị, lôi kéo người Mông trên toàn thế giới, trong đó có người Mông Việt Nam nói chung và người Mông tỉnh Sơn La nói riêng tham gia thành lập Nhà nước riêng.

Trước sự gia tăng hoạt động tuyên truyền, lôi kéo của các thế lực thù địch, đối tượng phản động và sự tác động về mặt tiêu cực của mạng xã hội, thời gian qua (những năm 2003, 2011, 2015 và 2017), một số đối tượng là người dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Sơn La, do những nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là thiếu hiểu biết nên bị tác động, ảnh hưởng, bị lôi kéo nghe và tin theo các luận điệu tuyên truyền về “Nhà nước Mông” của kẻ xấu (chủ yếu là người ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của các huyện: Bắc Yên, Phù Yên, Sông Mã, Sốp Cộp); một số đối tượng ảo tưởng sẽ có “Nhà nước riêng” đã trốn sang Lào để tham gia hoạt động phỉ gây rối trật tự dẫn đến bị truy bắt trong khi chạy trốn trong rừng; các đối tượng đã bị xử lý theo quy định của pháp luật; một số nghe theo lời kêu gọi của chính quyền đã quay trở về đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, một số khác thì trốn vào rừng sâu bên Lào, đến nay chưa trở về, không biết còn sống hay đã chết, bỏ mặc gia đình, vợ con sống cuộc sống khổ cực. Cho đến nay, không ít các già làng, trưởng bản và số đối tượng là người dân tộc Mông ở vùng biên giới Sông Mã, Sốp Cộp bị kẻ xấu lừa sang Lào để tham gia hoạt động phỉ, đón vua Mông, gây rối an ninh tại nước ban Lào đến nay vẫn không quên chuyện đau lòng này.

 

Hình ảnh: Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La xét xử công khai 13 bị cáo người dân tộc Mông, cư trú tại tỉnh Sơn La về tội “Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”.

 

Vì vậy, để không mắc mưu của các thế lực thù địch, dẫn đến vi phạm pháp luật:

Thứ nhất: Mỗi người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác; tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thận trọng, cảnh giác khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền, xúi dục, lôi kéo tham gia các hoạt động thành lập Nhà nước riêng của người Mông, nhất là các thông tin tuyên truyền liên quan thành lập đất nước riêng của đối tượng trong các tổ chức phản động người Mông ở nước ngoài trên không gian mạng, thực chất mọi hoạt động tuyên truyền của chúng đều là bịa đặt, không có thật, không có cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn để chứng minh về cái gọi là thành lập Nhà nước riêng; hơn nữa trên thực tế hiện nay không có quốc gia nào trên thế giới chỉ có một dân tộc sinh sống.

Thứ hai: Không không đăng tải, chia sẻ, tán phát trên mạng xã hội về các video, clip và bài viết có nội dung liên quan đến hoạt động tuyên truyền, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông tham gia các hoạt động nhằm thành lập Nhà nước riêng của các thế lự thù địch, đối tượng phản động.

Thứ ba: Mỗi người Mông Việt Nam nói chung và người Mông tỉnh Sơn La nói riêng cần nhận thức rõ: Chúng ta sinh ra và lớn lên tại đất nước Việt Nam, chúng ta là công dân của đất nước Việt Nam; chúng ta phải có trách nhiệm đoàn kết cùng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc bảo vệ quê hương, đất nước, lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia bằng những việc làm cụ thể, thiết thực: Khi phát hiện đối tượng tại địa bàn hoặc có đối tượng đến địa bàn có dấu hiệu, biểu hiện nghi vấn liên quan đến tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động thành lập Nhà nước riêng… kịp thời trình báo cho chính quyền, lực lượng Công an để có biện ngăn chặn. Không để các thế lực thù địch, đối tượng phản động tác động, dụ dỗ, lôi kéo đồng bào dân Mông tham gia các hoạt động phạm pháp, bị xử lý, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT tại địa bàn.

Thứ tư: Khắc phục mọi khó khăn để vương lên trong cuộc sống, trong đó cần tập trung vận dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăm nuôi…, tận dụng tối đa có hiệu quả về các chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, ổn định cuộc sống lâu dài tại địa phương. Không di cư tự do, xuất cảnh trái phép sang nước ngoài gây mất ANTT.

Có thể khẳng định rằng, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán trong mọi thời kỳ cách mạng, trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, chính sách dân tộc luôn được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước, đảm bảo các dân tộc được bình đẳng. Đời sống đồng bào các dân tộc từng bước cải thiện, không ngừng được cải thiện nâng cao, hệ thống các cơ sở hạ tầng iện, đường, trường, trạm các công trình nước sạch), chính sách bảo hiểm ý tế, miễn, giản học phí…. đều là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.