star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Kiểm tra, kiểm soát TikTok – Một quyết định tất yếu phục vụ cộng đồng

Kiểm tra, kiểm soát TikTok – Một quyết định tất yếu phục vụ cộng đồng


Trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ thông tin và các ứng dụng trên không gian mạng đã làm thay đổi bộ mặt của xã hội. Lợi dụng sự phát triển nhanh chóng này mà các thế lực thù địch đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều thông tin sai trái, xấu, độc trên mạng xã hội thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và mạng xã hội với những ưu việt đặc biệt trong việc kết nối mọi người đã được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp đặt ra yêu cầu chúng ta phải nâng cao khả năng phòng và chống các hoạt động nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta.

Trận tuyến “vô hình” nhưng luôn căng thẳng, gay go. Sự phát triển với tốc độ (có thể coi là) “khủng khiếp” của công nghệ thông tin và các ứng dụng trên không gian mạng đã làm thay đổi bộ mặt xã hội của cả thế giới. Không gian mạng xã hội đã làm “mờ” đi biên giới hữu hình của mọi quốc gia và tạo nên một “trường” thông tin với lượng tin tức khổng lồ và khả năng kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cá nhân gần như vô hạn. Những lợi ích của sự phát triển đó của văn minh toàn cầu là không thể phủ nhận, càng không thể cưỡng lại xu hướng đó. 

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mang tính đột phá, như: trí tuệ nhân tạo, internet của vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu cực lớn và nhanh,… đã làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng. Công cụ được các lực lượng này lợi dụng tối đa là các phần mềm như Chat GPT, các trang mạng xã hội với nhiều diễn đàn (forum), nhiều group chia sẻ trên các nền tảng Tiktok, Facebook, Twitter, Youtube, Zalo v.v. kết hợp với các đài phát thanh tiếng Việt và các tờ báo phản động ở nước ngoài để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhằm phá hoại nội bộ. Các đối tượng thù địch trong nước tích cực thu thập thông tin, phát tán tài liệu, video, trả lời phỏng vấn về các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tạo ra các “chiến dịch truyền thông” tấn công trực diện vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước và hệ thống pháp luật Việt Nam, nổi bật trong số đó chính là mạng xã hội Tiktok.

Tiktok  – Một trong những ứng dụng “hot” nhất hiện nay, ứng dụng này dường như tiếp cận với tất cả các đối tượng tại Việt nam. Sau những năm hình thành và phát triển, hiện nay Tiktok là ứng dụng có độ phủ rộng khắp Châu Á cũng như trên thế giới. Trong tương lai ứng dụng này sẽ có tốc độ phát triển vượt bậc dựa trên nền tảng cộng đồng video âm nhạc lớn nhất trên toàn cầu. Bản chất của TikTok là một mạng xã hội nổi tiếng của Trung Quốc, được biết đến với tên gốc là Douyin hay Vibrato mang ý nghĩa là “rung động”. Đây là nền tảng mạng xã hội sử dụng các video âm nhạc được phát hành bởi app tin tức Jinri Toutiao sáng lập năm 2016 tại Trung Quốc. Mạng xã hội này có cách thức hoạt động khá đơn giản là trình chiếu các video ngắn từ vài giây đến 15 giây – khá giống với Vine đã bị khai tử trước đó. Ứng dụng này tạo ra sự khác biệt và sức hút mạnh mẽ bởi khả năng chỉnh sửa video hết sức độc đáo. Cùng với đó là kho tàng dữ liệu âm thanh, âm nhạc vô cùng độc đáo giúp người dùng có thể tạo ra những video ấn tượng. Khả năng cá nhân hóa trên TikTok cũng được đánh giá cao khi mỗi người dùng có thể sử dụng những tính năng khác nhau. Nhờ vậy TikTok dần trở nên hấp dẫn và phổ biến trên toàn thế giới. Theo thống kê vào tháng 6 năm 2022, TikTok có lượng người dùng lên đến 180 triệu người dùng/một ngày tương ứng với hơn 800 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Cũng vào năm 2022, TikTok chính là ứng dụng được tải nhiều nhất trên thế giới, ước tính 46,88 triệu lượt tải xuống.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, trong tháng 5 tới, Bộ TT&TT sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kết hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Thuế… để thanh tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Mặc dù việc thanh, kiểm tra chưa diễn ra và cơ quan chức năng chưa đưa ra biện pháp cụ thể về quản lý TikTok thời gian tới nhưng trên mạng xã hội đã xuất hiện những ý kiến “lo bị siết”, Nhà nước Việt nam luôn tìm cách cấm đoán để “bịt miệng” người dân.. Những ý kiến này cho rằng, TikTok là ứng dụng mới, đem lại nhiều tính năng hiệu quả trên không gian mạng, nhất là tạo thành trào lưu, xu thế mới cho giới trẻ thì cần phải xem TikTok là lợi thế, khuyến khích phát triển chứ không nên cấm đoán hay hạn chế. Viện dẫn không gian mạng “phát huy tiếng nói mở”, “thể hiện tính dân chủ”, số ủng hộ TikTok cũng như các trào lưu trên mạng xã hội đòi hỏi được “mở biên độ” để tạo không gian, phương thức tương tác mới cho giới trẻ. Trong khi đó, một số cá nhân lại lợi dụng việc này để phổ biến thông tin sai lệch, cho rằng chính phủ Việt Nam không muốn cho bất kỳ mạng xã hội nào phát triển và luôn tìm cách cấm đoán để kiểm soát nhân dân. Họ sử dụng việc kiểm tra TikTok và các hoạt động liên quan để chỉ trích Luật An ninh mạng và cho rằng việc quản lý internet và mạng xã hội ở Việt Nam là “độc tài và thiếu dân chủ”. Tuy nhiên, thực tế là việc xuất hiện của các mạng xã hội mới thường thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội nào và sử dụng như thế nào còn phụ thuộc vào tính năng của mạng xã hội đó, đồng thời cần xem xét cẩn thận những tác hại có thể xảy ra nếu không kiểm soát được.

Các quốc gia sử dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế TikTok tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể và mức độ nguy hại. Trong tháng 11 năm 2022, Giám đốc FBI Christopher Wray đã bày tỏ lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến việc TikTok có thể thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng và sử dụng thuật toán để xâm nhập thiết bị cá nhân. Năm 2023, Bộ trưởng Tư pháp Úc Mark Dreyfus thông báo rằng chính phủ Úc sẽ gỡ bỏ ứng dụng TikTok khỏi tất cả các thiết bị liên bang do lo ngại về an ninh mạng. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngay khi có thể, tuy nhiên, quyền miễn trừ sẽ được cấp sau khi xem xét từng trường hợp cụ thể và có các biện pháp an ninh thích hợp. Các chính phủ nhiều nước châu Âu đã cấm nhân viên làm việc trong các cơ quan chính phủ sử dụng ứng dụng TikTok trên điện thoại của họ. Hà Lan, Bỉ và Anh đã cấm nhân viên chính phủ liên bang sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị của cơ quan nhà nước và chính phủ. Slovakia gần đây đã gia nhập danh sách các quốc gia cấm TikTok. Văn phòng Quốc hội Slovakia đã cấm nhân viên của cơ quan này sử dụng ứng dụng TikTok và đề xuất áp dụng lệnh cấm này cho các nghị sĩ và trợ lý của họ. Bộ Dịch vụ công Pháp cũng đã cấm nhân viên khu vực công tải các ứng dụng giải trí trên điện thoại làm việc của họ.

Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như TikTok, Facebook, và YouTube có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi hoạt động tại Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, bao gồm việc quản lý nội dung và nghĩa vụ về thuế, thanh toán và quảng cáo. Với sự phát triển của TikTok và các tính năng mới của nó, đã và đang xảy ra nhiều vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, bao gồm tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại kinh tế và bất ổn cho xã hội, ảnh hưởng đến an ninh và trật tự. Ví dụ như các clip ngắn trên TikTok khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức và lối sống của giới trẻ, gây tổn hại đến giá trị văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, cũng đã xuất hiện các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp và nội dung vi phạm bản quyền tràn lan trên các nền tảng này.

Tiktok trở thành chủ đề gây tranh cãi vì những nội dung xấu, độc hại tràn ngập trên nền tảng này. Nhiều tài khoản TikTok đã vi phạm luật pháp và tiêu chuẩn cộng đồng bằng cách chia sẻ những nội dung gây phản cảm. Ngoài ra, nhiều video ngắn chứa nội dung độc hại vẫn đang được lan truyền trên ứng dụng này. Nhiều clip cắt ghép, chỉnh sửa có nội dung kỳ thị giới tính, dân tộc, khu vực, gây chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết, tác động tiêu cực đến tâm lý của khán giả. Ngoài ra, nhiều bình luận sai trái về các vấn đề như chính trị, dân chủ và nhân quyền cũng được chia sẻ trên TikTok, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh và quốc phòng.

Theo báo cáo minh bạch của TikTok, nền tảng xóa 1,7 triệu video tại Việt Nam vì vi phạm chính sách trong quý IV/2022, trong đó 94,9% là chủ động xóa. Tuy nhiên, động thái này của TikTok vẫn bộc lộ thiếu sót khi không thể ngăn chặn hoàn toàn các video xấu, độc hại. Bởi khác với Facebook hay YouTube phân phối nội dung hoàn toàn tự động hoặc gợi ý thụ động, TikTok do thuật toán phân phối nội dung nên bất kể thông tin tốt hay độc hại sẽ rất dễ tạo thành xu hướng trên nền tảng mạng xã hội này.

Nhiều phần tử phản động, thường xuyên sử dụng Tiktok để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thổi phồng những hạn chế, yếu kém trong quản lý, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Trong đó, số nước ngoài chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí hoạt động; các đối tượng trong nước tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tin tức để cung cấp cho bên ngoài vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước. Lợi dụng TikTok để lan truyền các clip, tài liệu xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương,… nhằm gây hoang mang, hoài nghi, suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.

Trên chuyên trang Wired, Johannes Eichstaedt – chuyên gia về AI tại Viện Stanford cho rằng, sở dĩ các nội dung độc hại, vi phạm của TikTok không được thanh lọc và xử lý triệt để bởi vì mục đích thật của TikTok là lợi nhuận chứ không đơn thuần là giải trí. Thuật toán AI của nền tảng đang cố giữ chân người dùng bằng nội dung được cho là hấp dẫn, bất chấp nó nguy hiểm, sai trái, độc hại hoặc phản cảm ra sao. Còn theo Catherine Wang – chuyên gia AI tại Google, các lỗ hổng trong hệ thống đánh giá khiến nội dung độc hại, vi phạm dễ dàng vượt qua vòng sàng lọc, trong khi việc duyệt thủ công từng video là không thể với lượng người dùng khổng lồ của TikTok. Sau khi lọt qua vòng kiểm duyệt, video bắt đầu được TikTok phân bổ khắp thế giới bằng thuật toán. Đây cũng là lý do vì sao những nội dung sai phạm, độc hại, nguy hiểm trên TikTok lại có tốc độ lan truyền chóng mặt như vậy.

Hiện nay, theo đánh giá của cơ quan chức năng, Tiktok có 06 sai phạm tại Việt Nam

Thứ nhất, nền tảng này không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; ngăn tin giả, nội dung độc hại, nhảm nhí, có khả năng gây nguy hiểm với trẻ em nói riêng và người dùng nói chung.

Thứ hai, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng, từ đó phát tán những nội dung giật tít, câu view mặc cho chúng phản cảm, độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, giới trẻ.

Thứ ba, TikTok không có biện pháp cụ thể kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc kích dục. Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh, thương mại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thứ tư, TikTok không quản lý hoạt động của các KOLs, idol (người có sức ảnh hưởng, thần tượng) dẫn đến nhiều người sản xuất nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, tạo xu hướng thu lợi nhuận từ những nội dung này. Cụ thể như chửi bậy, khoe thân phản cảm, dùng vũ lực,…

Thứ năm, TikTok không có biện pháp quản lý các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt các nội dung trích từ phim ảnh, các tác phẩm nghệ thuật, các sản phẩm đã được đăng ký bản quyền, bảo hộ…

Thứ sáu, không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân.

Do đó, việc kiểm tra, đánh giá toàn diện để đưa ra biện pháp xử lý thích hợp với các mạng xã hội, trong đó có TikTok là việc làm bình thường của cơ quan quản lý nhà nước, hoàn toàn không phải “bất ngờ” hay “chỉ dấu bịt miệng, mất dân chủ” như một số luận điệu.

Hiện chúng ta đã có Luật An ninh mạng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác quy định quản lý các mạng xã hội. Điều 4 về nguyên tắc bảo đảm an ninh mạng quy định: Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại mọi hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng…

Có thể khẳng định, các nước tiến hành kiểm tra để áp dụng biện pháp cấm hoặc hạn chế TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác là hoạt động bình thường của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, việc Việt Nam triển khia kiểm tra toàn diện đối với TikTok là một viêc làm hợp lý khách quan, đúng đắn, thể hiện trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm soát nguồn thông tin đến với người sử dụng. Thông qua đó thắt chặt quản lý, sàng lọc, loại bỏ thông tin xấu độc, vi phạm, phản động, đem những thông tin tích cực, chính thống, bổ ích đến với xã hội.