star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc


Tiếng Dân News – Nguyễn Thông với bài viết xuyên tạc: Quan và dân “…Cái số tiền nhà nước đem đổ vào những lễ lạt, những kỷ niệm này nọ, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ chẳng hạn, nếu chỉ cấu một phần đem cho dân đang chết khát cũng có thể giúp họ qua được đoạn trường này, chứ đâu phải chỉ tuyệt vọng trông trời. Để dân chỉ còn biết trông trời, đó là tội ác…”.

Tác giả bài viết này xin trao đổi hai vấn đề sau:

Thứ nhất, năm nay kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, lịch sử đã lùi xa và trở thành mốc son chói lọi trong tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, nhưng giá trị, ý nghĩa tầm vóc của nó vẫn còn nguyên với dân tộc Việt Nam và cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Chúng ta thế con cháu, tương lai của đất nước sẽ không được phép lãng quên những bài học từ lịch sử. Chiến thắng Điện Biên Phủ là nhân tố to lớn xóa bỏ chế độ thực dân kiểu cũ trên phạm vi toàn thế giới, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Genever ngày 20/07/1954, lập lại hòa bình tại Đông Dương. Nhìn lại quá khứ, tiếp thu những bài học có ý nghĩa lịch sử phải có cách tiếp cận toàn diện, khách quan, đầy đủ, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước Việt-Pháp trong hiện tại và tương lai, đồng thời không bao giờ để chiến tranh lập lại. Chúng ta hiểu rõ được sự mất mát, tàn khốc của chiến tranh và yêu chuộng hòa bình hơn bất cứ một dân tộc nào trên thế giới. Như bày tỏ của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đến thăm Điện Biên Phủ năm 2018 “Trận chiến cuối cùng ở Điện Biên Phủ… Nó đã đánh dấu việc Việt Nam giành được nền độc lập hoàn toàn”, đó là tâm sự chân thành để chúng ta khép lại quá khứ và hướng đến tương lai.

Thứ hai, hiện nay biến đổi khí hậu được xem là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại trong thế kỷ XXI với những tác động tiêu cực, đe dọa sự tồn vong của các hệ sinh thái và cuộc sống của con người. Đây là vấn đề toàn cầu đòi hỏi nỗ lực ứng phó của từng quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu và đã có nhiều nỗ lực ứng phó tích cực. Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội. Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời thể chế hóa, ban hành một số luật, văn bản quan trọng để thúc đẩy, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhất quán đẩy mạnh thực hiện chủ trương từ “tham gia” thành “chủ động, tích cực tham gia” hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu tại nhiều thể chế đa phương, quốc tế, khu vực. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn lực đầu tư công trong 10 năm qua khoảng 24 tỷ USD cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hơn 30 tỷ USD đã được huy động từ khu vực doanh nghiệp và các chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật từ quốc tế. Năm 2023 Thủ tướng Chính phủ bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm: Long An 250 tỷ đồng, Tiền Giang 200 tỷ đồng, Bến Tre 300 tỷ đồng, Trà Vinh 200 tỷ đồng, Vĩnh Long 500 tỷ đồng, Cần Thơ 250 tỷ đồng, Hậu Giang 200 tỷ đồng, Sóc Trăng 300 tỷ đồng, An Giang 250 tỷ đồng, Đồng Tháp 250 tỷ đồng, Kiên Giang 500 tỷ đồng, Bạc Liêu 300 tỷ đồng, Cà Mau 500 tỷ đồng, để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian gần đây đã có đợt cao điểm về xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao, thiếu nước ngọt cục bộ, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tổ chức theo dõi sát tình hình, chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.

Qua hai vấn đề nêu trên ta thấy, Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ để chúng ta thêm nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về tầm vóc, ý nghĩa, giá trị của chiến thắng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Đó là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta cần tiếp tục vận dụng sáng tạo những bài học, kinh nghiệm quý báu, phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy không thể mang việc ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ để rồi suy diễn mang màu sắc tiêu cực./